8 tháng 8, 2011

Mỏ đồng Tụ Long và cột mốc sông Đỗ Chú

                                       Đồng Tụ Long, thiếc sông Ngâu
                                   Tiền rừng, bạc bể của đâu sánh bằng!

 Câu ca dao về vùng đất Tụ Long có từ cuối thế kỷ 17, như khẳng định thêm sự giàu có
 “rừng vàng, biển bạc” của Việt Nam.
 Vùng núi có mỏ đồng Tụ Long thuộc tổng Tụ Long, Châu Vị Xuyên, Phủ Yên Bình, Trấn Tuyên Quang; sau này thuộc tổng Phương Độ, tỉnh Hà Giang. Nằm giữa hai lưu vực sông Lô và sông Đổ Chú là những dãy núi cao, quây quần liền lạc như hình con rồng nên gọi là “ Tụ Long”. Không chỉ có các mỏ đồng, Tụ Long còn có cả mỏ bạc, đá nam châm (sắt từ) và ngân sa.
Thời Hậu Lê việc khai thác mở bị thả nổi cho tư nhân và triều đình không thu được thuế. Mỏ ở các vùng biển giới có quá nhiều người Hoa ( Thiều Châu, Triều Châu) sang khai thác làm mất ổn định trật tự địa phương và thất thoát tài nguyên không kể xiết. Chỉ dưới thời Bảo Thái ( Vua Lê Dụ Tông) triều đình An Nam mới bắt đầu lưu tâm đến nguồn tài nguyên phong phú từ khai thác mỏ. Triều đình có biện pháp khuyến khích người muốn khai thác phải có đơn, sau khi được chấp thuận phải tự bỏ tiền đầu tư, chiêu mộ công nhân và tổ chức khai thác. Từ lúc xin mở sau 2 năm phải đưa vào khai thác, miễn thuế 3 năm đầu. Triều đình kiểm soát chặt chẽ các khoáng sản đồng, chì, thiếc và cấm hẳn việc mua bán đồng vào năm 1759. Chế độ giám sát được thực hiện chặt chẽ từ năm 1760 với thành phần quí tộc, vương hầu, quan lại tự nguyện và tù trưởng ( thổ ti, thổ mục) địa phương có mỏ.
Ngô Thời Sĩ, đốc đồng vùng Thái Nguyên có đưa lên triều đình một bản tường trình của Bùi Sĩ Tiên nói đến các bất lợi của việc khai thác:
- “Bất lợi thứ nhất: Việc khai thác đã không thu vào cho công quĩ được 1/10 số thuế đáng lẽ những người khai thác phải đóng. Với một kết quả ít ỏi như vậy, các dòng nước, núi non, đường xá qua lại vùng biên giới, các đèo trên núi cao, các thung lũng và các hang sâu thẳm…đã bị người ngoài dẫm lên.
- Bất lợi thứ hai: Sinh khí từ gân cốt của nước ta bắt nguồn từ xứ Thái Nguyên, mà những người khai thác đó đã đào xới đất để đi tìm vàng, đắp nên vố số cồn đất và những hầm hố đào sâu có thể chứa hàng trăm người. Chưa một việc làm nào làm tổn hại đến sinh khí đất đai bằng việc này.
- Bất lợi thứ ba: Người Hoa thì giữ búi tóc và y phục truyền thống của họ. Họ đem về xứ họ tiền bạc kiếm được và số tiền này một khi qua được biên giới là chúng ta mất vĩnh viễn”.
Tuy nhiên ”mỏ đồng Tụ Long là tốt hơn cả, nền tài chính của nước ta từ đó mà ra”,như Phan Huy Chú ghi nhận thuế đồng của triều Nguyễn thu hàng năm với phần của mỏ Tụ Long chiếm 82-90%.
Để hình dung được qui mô khai thác mỏ đồng Tụ Long thời bấy giờ ( đầu TK 18) có thể xem lại các ghi chép của Lê Quý Đôn trong “ Kiến Văn Tiểu Lục” hay Đặng Xuân Bảng với “ Tuyên Quang tỉnh phú” như sau.
Năm Bảo Thái thứ 3 (1722) Nguyễn Thành Lý, chỉ huy quân đội vùng Tuyên Quang có bản tường trình nói rằng tất cả các mỏ vàng, bạc, đồng và kẽm ở Bình Ri và Tụ Long tiếp giáp với Trung Hoa cần một đạo quân gồm 2.315 người để việc phòng thủ được hữu hiện.
Khu vùng mỏ có 72 làng, mỗi làng từ 70, 80 đến 100 gia đình, mỗi gia đình có 7-8 người, tính chung có 1000 gia đình tất cả. Tại mỏ đồng có khoảng 300 gia đình người Hoa ở phía Bắc đến từ tổng Từ Bích. Trong các mỏ ở Na Ngọ, Bán Gia có khoảng vài trăm đến 10.000 phu làm việc. Mỗi thợ mỏ nhận lương tháng một lạng bạc.
Ở Na Ngọ có 26 đường hầm khai thác trên các núi đá Phượng Hoàng, Thiên Nguyên, Tụ Bảo, Mậu Hưng…Mỏ bạc Nam Đương có tới 71 đường hầm khai thác.
Đặng Xuân Bảng kề về thợ mỏ Tụ Long như sau.
Thợ mỏ vấn trên đầu một cái khăn, thắt lấy một ống sắt nhô ra trước trán. Trên ống sắt cắm một cây nến sáp soi sáng nơi đất mỏ để đào lấy đồng. Thợ mỏ tay cầm một cái cuốc chui vào hầm, nêu gặp đá thì đục vỡ, gặp đất thì moi ném ra ngoài. Đào sâu đến đâu thì lấy cây chống hầm đến đó để tránh nạn sụp  hầm. Các đường hầm mỏ thường đào ở sườn đồi. Mỗi mỏ gồm hai đường hầm song song nhau: trong vách ngăn cách hai đường người ta đào thêm các cửa thông nhau. Làm như thế luồng gió và lửa sáng không bị giảm. Một khi các đường hầm bị ngập nước và nền hầm không có lối nước chảy thoát, thì người ta lấy những ống bương múc nước đổ ra ngoài. Nếu lửa kém sáng ( thiếu không khí) và nước ứ trong mỏ không thể thoát qua cửa hai đường hầm thì phải đào thêm một đường hầm nữa và dùng ống bương để dẫn nước cho thoát ra ngoài.Cứ khoảng 15 ngày, có khi hai ba tháng, có khi sáu tháng người ta lại tìm được vài tảng đồng ( nguyên khối), những tảng to bằng cái thúng lớn, nhưng tảng nhỏ chỉ bằng quả trứng gà. Màu của tảng đồng nguyên chất thì đỏ rực. Màu của tảng đồng có pha bạc thì có những khoang trắng và khoang đỏ khác nhau.
Người ta dùng than đá để tinh lọc đồng ngay tại Tụ Long. Than đá lấy từ mỏ Thán Sơn, xã Bình Ri, huyện Vĩnh Tuy. Sau khi nấu chảy 4 lần cần thiết để lấy đồng tốt từ quặng, nấu thêm 2 lần nữa có thể lấy ra 7 hay 8 phân bạc từ 10 cân đồng. Để đúc tượng Phật cần đồng đỏ Tụ Long 94 cân (ta), pha với 6 cân thiếc và phải dùng 40 cân than mỏ, 81 cân than gỗ, 440 cân củi…
Mỏ có năng suất khai thác trung bình 450.000 cân đồng mỗi  năm. Thuế mỏ đồng Tụ Long và hai bến đò Bính Kinh, Bắc Tử là 15.890 cân đồng ( chiếm 3,5%). Ngoài ra các quan địa phương đánh thuế 5 lượng bạc mỗi năm trên mỗi gia đình. Người nước ngoài buôn bán đồng phải trả 1 quan 2 tiền cho 100 cân đồng. Số thuế thu được từ hai khoản này hàng năm không dưới 1000 nén bạc (10.000 lạng bạc).
Sự giàu có của vùng mỏ Tụ Long từ lâu đã bị quan lại, thổ ti Vân Nam ( Trung Hoa) dòm ngó. Tháng 5, mùa hè năm Chính Hòa thứ 8 (1687) ba châu trên vùng biên giới thuộc 2 tỉnh Tuyên Quang và Hưng Hóa là Vị Xuyên, Bảo Lạc và Thủy Vĩ đã bị các thổ ti tại Mông Tự và Phủ Khai Hóa (Trung Hoa) lấn chiếm. Triều đình An Nam đã rất nhiều lần sai sứ sang Trung Quốc để khiếu nại nhưng đều thất bại, kể ra có:
- Năm Chính Hòa thứ 11 (1690) có các Chánh sứ là Nguyễn Danh Nho, Nguyễn Quí Đức và các Phó sứ Nguyễn Tiến Sách, Trần Đảo.
- Năm Chính Hòa thứ 18 (1697) Chánh Sứ là Nguyễn Đăng Đạo và Nguyễn Thế Phán, các phó Sứ là Đặng Đình Tướng và Nhữ Tiên Hiền.
Đến năm 1724 trong khoa thi Hoàng Từ ( ngày 25-8 âm lịch) Chúa Trịnh Cương đã ra lệnh những người dự thi soạn thảo một bức thư trả lời Tổng đốc Vân Nam ( nhà Thanh), trong đó trình bày các lý lẽ tỏ ra rằng “ các trại, ải ở Tuyên Quang, Hưng Hóa và xương đồng ở núi Mã Yên, thuộc Tụ Long đều thuộc bờ cõi nước ta, cách rất xa phủ Khai Hóa thuộc Vân Nam; nước ta đời này qua đời khác vẫn giữ đất ấy và bảo vệ được yên ổn, chứ không phải bá chiếm đất đai của phủ  Khai Hóa…”
Sự giận dữ của Chúa Trịnh Cương có lẽ do Tổng đốc Vân Nam là Cao Kỳ Chác (Trác) đã ra lệnh cho Tổng thôi Dương Gia Công qua sông ( Đổ Chú ?) để chiếm mỏ đồng làng Bán Gia và mỏ kẽm Kha Khôn (thuộc Tụ Long) đầu năm 1724. Chúa Trịnh Cương đòi sai Chấn thủ Trịnh Kinh ra mật lệnh cho các tù trưởng, thổ dân chống lại sự tiến quan của Trung Hoa và giữ chân chúng lại, Trịnh Kinh chặn đầu đóng quân tại làng Phù Lung.
Sau rất nhiều thư từ qua lại, thông điệp có cả lời dọa nạt từ Kỳ Chác “ phía chúng tôi cũng không thiếu các yếu tố để thiết lập lại quyền của mình. Các ông không có căn bản để nói rằng các bằng chứng của các ông thì chắc chắn đúng ở từng chữ và tài liệu của Trung Hoa thì đáng nghi ở mọi chi tiết…”. Đến tháng 4 năm 1728 hoàng đế Trung Hoa gửi các ủy viên đến Khai Hóa để làm thủ tục phân giới.
Ngày 18 tháng 9 năm 1728 ( niên hiệu Bảo Thái) Vua Lê Dụ Tông sai sứ bộ gồm Tế tửu Nguyễn Công Thái và Tả thị lang Bộ Binh Nguyễn Huy Nhuận ( Nhận) đến dựng bía đá tại bờ sông Đổ Chú. Vụ thương thảo này mất 5 năm và chúng ta giành lại được 17 làng sau, Nhĩ Hồ, Mạnh Đính,  Phù Ni, Phù Châu, Chĩ Giang, Phù Không, Ma Hô, Bố Ma, Hồ Khâm, Mã Khao, Tà Lộ, Yên Mã, Mã Thọ, Tụ Kha, Thông Sự, Phù Li và Mã Đề ( gồm mỏ đồng Tụ Long và 4 xã ở Bảo Sơn).
Hai ông Nguyễn Công Thái và Nguyễn Huy Nhận đã xông pha lăn lộn ở những nơi lam chương hiểm trở, đi qua các vùng xưởng bạc, xưởng đồng nhận ra đúng chỗ sông Đổ Chú. Trong khi bọn Ngô Sĩ Côn, Vương Vô Đảng và những kẻ khác ( Vân Nam) “ muốn ăn chặn”,  chỉ láo, ở đoạn sông khác hòng chiếm mỏ đồng Tụ Long. Rất quyết liệt và sáng tạo, hai ông đã cho “ dựng bia ở nới giáp giới ngay”.
Nguyễn Công Thái hay Nguyễn Kim Thái, Nguyễn Công Thể ( sinh 1684 – mất 1758) người làng Sợi Tơ Vàng, xã Kim Lũ, huyện Thanh Trì. Ông đỗ Giải nguyên năm 18 tuổi, năm 31 tuổi đậu “ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân” khoa thi năm Ất Mùi 1715. Trong 40 năm làm quan ông giữ các chức vụ: Hiến sát xứ Nghệ An, Đốc đồng xứ Thanh Hóa, Tể tửu Quốc Tử Giám, Tham tụng, Thượng Thư Bộ Lại, phong Công thần, tước Kiền Quận Công.
Ông là  một trong “ Tràng An tứ hổ” ở cuối thế kỷ 17 và là 1 trong 5 vị “ Phụng thị ngũ Lão” (về hưu rồi lại được ra nắm triều chính). Sau khi mất được triều đình truy tặng hàm Thái Bảo.
Nguyễn Công Thái là vị quan thanh liêm, cương trực .Tuy là thày dạy học của  Chúa Trịnh Sâm nhưng ông luôn khước từ mọi ân huệ và tiền bạc mà học trò tặng. Ngày giỗ kị của gia đình, ông không tiếp tân khách và không bao giờ nhận quà biếu.
Ông chính là người được Chúa Trịnh Cương tin cẩn giao trọng trách lấy lại “ kho tiền” và 40 dặm đất giàu có vùng biên cương.
Những khó khăn của hành trình cắm mốc chỉ vài dòng trong “ Khâm định Đại Nam Hội điển Sử Lệ” như trên  thực tế có muôn ngàn trở ngại, vất vả mà chỉ có vị quan Tế Tửu Nguyễn Công Thái dũng cảm và tài đức làm được.
Mô tả xưa.
“Vùng Tụ Long, núi đứng cao vót, trước sau tả hữu đều có núi”, “có sông Đổ Chú ở nơi ấy, núi này ở giữa cao tuyệt, có những cây tùng lâu đời xanh tốt, thân cây được mười chét
 (mười người ôm). Đây là núi rất cao ở phía tây Sông Lô”, “ Vùng Tụ Long thì bị hiện tượng băng giá, nước đóng băng, lạnh khủng khiếp, mùa hạ vẫn mặc quần áo nhồi bông, sương mù dày đặc, không nhìn xa hơn một thước”, “ Làng Thiểu Lảng có dòng suối Sâm Mộc, nước suối này thì độc. Qua làng Na Thậm vượt qua ba rặng núi bằng một con đường hẹp và nguy hiểm, các ải thì rất hẹp”…
Việc đi lại rất khó khăn. Ngựa chở đồng từ mỏ Tụ Long về Hà Giang mất 5 ngày, giá 1 lạng bạc 2 phân cho 100 cân đồng (60 kg), hơn một tháng lương thợ mỏ. Muối từ thủ phủ vùng giá 3 quan 2 tiền 100 cân, lên đến Tụ Long có giá 20 quan tiền (gấp 6 lần,tương đương hơn 7 lạng bạc).
Không rõ ông Tế tửu Nguyễn Công Thái đi theo hành trình nào để đến được Tụ Long và sông Đổ Chú. Có các cách đi từ Hà Giang lên mỏ Tụ Long như sau:
- Hà Giang, cửa sông Chỉ Tha – làng Bắc Phẫu (  Phấn Võ) rồi đến Mang Đồng qua Bản Chất đến Tụ Long. Tổng cộng 5 ngày đường.
- Làng Y La, Lương Quán hướng trái qua làng Khương Nẫm và Lịch Hạ - Nhâm Mục đi lên qua làng Lạc Thượng và Trình Ký – rẽ  phải qua làng Thủy Gia… đến làng Yên Quảng, chợ của Thể Đôn ( 8 ngày ), qua làng Nam Xa và Chu Ri đến Tụ Long. Tổng cộng 11 ngày đường.
- Theo ngả tả ngạn sông Chảy từ Đại Đồng đến Tụ Long, Đường này đến Thể Đôn 3-5 ngày, đến Tụ Long thêm 3 ngày nữa.
- Theo ngả hữu ngạn sông Chảy từ Đại Đồng đi qua các tổng Mông  Sơn, Cảm Ơn, Thạch An, Trúc Lầu, Chân Thủy Vĩ. Tổng cộng 12 ngày đường.
Cuối cùng bia đá được dựng với hàng chữ. “ Lấy mốc sông Đổ Chú làm căn cứ, ngày 18 tháng 9 năm Ung Chính thứ 6 (1728) chúng ta là Nguyễn Huy Nhuận, Tả Thị Lang Bộ Binh và Nguyễn Công Thái, Tế Tửu Quốc Từ Giám, được triều đình ủy sai, vâng theo chỉ dụ, lập bia đá này”.
Năm 1829 đám thổ phỉ người Thanh (Trung Hoa) gây rối vùng Tụ Long và phá hủy bia đá dựng năm 1728. Năm 1832 Vua  Minh Mạng cho dựng nhà bia mới.
Sau này Vua Tự Đức ( Nguyễn Phúc Hồng Nhậm 1847 – 1883) có xem lại việc này và cầm bút phê rằng “ Đạo bầy tôi phải như thế”.

Nguyễn Đức Huy 03.2011

Nguồn tham khảo:
1.                  Nguyễn Đình Đầu: Pháp để mất mỏ đồng Tụ Long của Việt Nam
2.                  Raymond Deloustal: Les mines de Tu Long do Trương Nhân Tuấn dịch
3.                  Hà Mai Phương : Năm 1724 Chúa Trịnh Cương ra đề thi “ Mỏ đồng Tụ Long là của nước ta”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

THÔNG BÁO HỌP MẶT THƯỜNG NIÊN NĂM 2018

Nhân kỷ niệm ngày giải phóng Thủ Đô 10/10 và ngày họp mặt Cựu học sinh C3 Nguyễn Trãi Hà Nội tại TP HCM lần thứ 18. Kính mời A/C tới dự họp...